Ưu – nhược điểm của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật mẹ cần biết
(30/06/2020) | 2299 lượt xemƯu – nhược điểm của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật mẹ cần biết
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật đang được nhiều bà mẹ Việt Nam áp dụng. Với phương pháp này, trẻ sẽ có hội tiếp xúc và cảm nhận từng vị của đồ ăn. Tuy nhiên, mỗi phương pháp đều có những ưu – nhược điểm riêng biệt. Phương pháp này thì sao?
Ưu điểm của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
- Ưu điểm tuyệt vời nhất mà phương pháp ăn dặm kiểu Nhật mang lại đó là trẻ có thể làm quen với mùi vị của từng loại thức ăn riêng biệt, thông qua đó bố mẹ có thể biết được con bị dị ứng với loại thức ăn nào.
- Bé được tập ăn thô sớm qua đó học được phản xạ nhai và nuốt một cách tốt nhất. Tránh tình trạng trẻ chỉ biết nuốt chửng, ăn một cách thụ động khi ăn bất cứ thứ gì, điều này khiến trẻ dễ bị nôn trớ, hóc nghẹn rất nguy hiểm.
- Khẩu phần và loại thức ăn được thay đổi phù hợp với giai đoạn phát triển của bé, đảm bảo đa dạng, đầy đủ nhóm chất.
- Mẹ có thể chế biến thức ăn và trữ đông mà vẫn đảm bảo được mùi vị và chất lượng thức ăn, giúp mẹ rảnh tay và chủ động hơn trong việc chuẩn bị bữa ăn cho bé.
- Với kiểu ăn dặm này, bé sẽ được ngồi ăn trên ghế ăn dặm, không đi rong, không bật ti vi, không điện thoại, máy tính… từ đó hình thành thói quen ăn nghiêm túc ngay từ khi còn nhỏ, không khóc, không ngậm.
Nhược điểm của cách ăn dặm kiểu Nhật
- Thức ăn trữ đông, không thể thơm ngon như thức ăn chế biến ngay được.
- Lượng ăn của trẻ không nhiều như ăn truyền thống nên có thể không tăng cân mạnh như phương pháp truyền thống ở giai đoạn đầu.
- Không phải gia đình nào cũng ủng hộ các mẹ chăm con theo phương pháp này.
Trẻ mất tháng nên bắt đầu ăn dặm?
Thời điểm thích hợp để bắt đầu giai đoạn 1 trong phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là mốc 5 – 6 tháng. Bạn không nên cho trẻ ăn dặm trước tháng thứ 5 hay ăn dặm sau tháng thứ 7, bởi vì trước tháng thứ 5 hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện để bắt đầu ăn dặm, còn sau tháng thứ 7 thì bé đã qua mất thời điểm vàng lí tưởng để khám phá mùi vị. Thời điểm tháng thứ 5 cũng rất phù hợp cho một số mẹ phải đi làm lại sau 6 tháng nghỉ thai sản.
Các giai đoạn ăn dặm kiểu Nhật
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật nhấn mạnh vào việc chia thời gian ăn dặm thành nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn sẽ có những khẩu phần ăn phù hợp. Các giai đoạn đó cụ thể là:
- Giai đoạn 1 (từ 5 – 6 tháng tuổi): Đây là giai đoạn bé bắt đầu tập ăn dặm. Thức ăn của bé được nấu theo dạng bột và sánh để bé dễ nuốt. Trong giai đoạn này, các mẹ nên cho bé làm quen với các món như: Khoai luộc, rau luộc, cháo, cá trắng, thịt nạc, đậu hũ non, cà rốt, bí đỏ, chuối, táo… nghiền nhuyễn và để riêng từng loại để bé làm quen với từng vị riêng biệt. Nên tăng dần độ đặc từ rất loãng đến loãng và sánh dần lại để tập cho bé phản xạ nhai nuốt.
- Giai đoạn 2 (từ 7 – 8 tháng tuổi): Bước sang giai đoạn 2, bé sẽ bắt đầu tập dùng lưỡi để lấy thức ăn và tập nhai vì vậy, thức ăn nên ninh nhừ, nghiền sơ. Giai đoạn này, ngoài các món như giai đoạn trước, bố mẹ có thể bổ sung thêm trứng (lúc này đã có thể ăn), thịt lườn gà, cá thịt đỏ, dưa chuột, nấm… Nếu bé thích nghi được có thể chuyển sang băm nhuyễn thức ăn thay vì nghiền.
- Giai đoạn 3 (từ 9 – 11 tháng tuổi): Từ giai đoạn này trở đi, mẹ có thể tăng dần độ cứng của thức ăn để bé có thể nhai bằng lợi. Sau đó, đến cuối giai đoạn này có thể tăng dần lên thành cháo sệt nguyên hạt, cháo đặc nguyên hạt và có thể thêm tôm đồng, thịt heo, bò, gà, bún, miến, giá đỗ… cho bé.
- Giai đoạn 4 (từ 1 tuổi trở lên): Giai đoạn này bé đã có nhiều răng hơn nên có thể nhai thức ăn được nấu mềm vừa phải, mực, cua, hầu như tất cả các loại rau và chuyển dần sang cơm nát.
Nguyên tắc khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật
Để đảm bảo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật đem lại hiệu quả tốt, bố mẹ cần phải tuân thủ một số nguyên tắc dưới đây khi chuẩn bị đồ ăn cho bé:
- Không nên thêm gia vị vào thức ăn của trẻ, nếu muốn mùi vị đậm đà hơn bạn cũng chỉ nên cho một chút muối.
- Cân bằng dinh dưỡng 3 nhóm thực phẩm tinh bột – đạm – vitamin.
- Cân bằng dinh dưỡng giữa thực phẩm với lượng sữa.
- Cho bé ăn theo nhu cầu, không nên ép bé ăn cố.
- Không đi rong, không xem tivi hay chơi đồ chơi, nghịch điện thoại, Ipad… trong khi ăn. Khi bé đã ngồi được thì cần cho bé ngồi ghế ăn nghiêm túc.
- Tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong bữa ăn.
- Bố mẹ cần thống nhất về quan điểm lựa chọn phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cho con, tránh so sánh khả năng ăn của trẻ so với những bé khác.
- Lựa chọn nguồn thực phẩm phù hợp, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Căn cứ vào sự phát triển của từng trẻ mà bố mẹ cân nhắc cho trẻ ăn thô sớm hay muộn. Mức ăn thô của mỗi trẻ cũng khác nhau, nên cần có sự điều chỉnh để hợp lý với từng trẻ.
“ Bạn cảm thấy bài này Hữu ích – Hãy chia sẻ”
Bài viết liên quan
Rượu bia và những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe
(25/01/2022) | | 1589 lượt xemĐánh giá dòng sản phẩm giải độc gan Hovenia Plus
(12/01/2022) | | 1481 lượt xemĐánh bay nỗi sợ nóng trong bằng các cây “thần dược”
(31/12/2021) | | 2497 lượt xemNhưng thói quen giúp mang lại một sức khỏe khỏe mạnh
(11/12/2021) | | 1059 lượt xem